• Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012
  • Tư bản cố định và tư bản lưu động


    Tư bản cố định và tư bản lưu động


    Tư bản sản xuất gồm nhiều bộ phận và có thời gian chu chuyển khác nhau về mặt giá trị, do đó ảnh hưởng đến thời gian chu chuyển của toàn bộ tư bản. Căn cứ vào sự khác nhau trong phương thức (đặc điểm) chu chuyển về mặt giá trị nhanh hay chậm của  các bộ phận tư bản để phân chia tư bản sản xuất thành tư bản cố định và tư bản lưu động.



    a) Tư bản cố định

    Tư bản cố định là bộ phận tư bản biểu hiện dưới hình thái giá trị của những máy móc, thiết bị, nhà xưởng..., tham gia toàn bộ vào quá trình sản xuất, nhưng giá trị của nó không chuyển hết một lần, mà chuyển từng phần vào sản phẩm trong quá trình sản xuất. Đặc điểm của tư bản cố định là về hiện vật, nó luôn luôn cố định trong quá trình sản xuất, chỉ có giá trị của nó là tham gia vào quá trình lưu thông cùng sản phẩm, hơn nữa nó cũng chỉ lưu thông từng phần, còn một phần vẫn bị cố định trong tư liệu lao động, phần này không ngừng giảm xuống cho tới khi nó chuyển hết giá trị vào sản phẩm. Chính đặc điểm của loại tư bản này đã làm cho thời gian mà tư bản cố định chuyển hết giá trị của nó vào sản phẩm bao giờ cũng dài hơn thời gian một vòng tuần hoàn.

    b) Tư bản lưu động

    Tư bản lưu động là bộ phận tư bản được hoàn lại hoàn toàn cho nhà tư bản sau khi hàng hoá sản xuất ra được bán xong. Trong đó, bộ phận tư bản biểu hiện dưới hình thái nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu phụ..., giá trị của nó được chuyển toàn bộ vào giá trị hàng hoá trong quá trình sản xuất. Còn bộ phận tư bản biểu hiện dưới hình thái tiền công, đã bị người công nhân tiêu dùng và được tái tạo trong quá trình sản xuất hàng hoá. Đặc điểm của loại tư bản này là chu chuyển nhanh về mặt giá trị. Nếu tư bản cố định muốn chu chuyển hết giá trị của nó phải mất nhiều năm, thì trái lại tư bản lưu động trong một năm giá trị của nó có thể chu chuyển nhiều lần hay nhiều vòng. Đối với tư bản cố định, trong quá trình hoạt động tất yếu bị hao mòn. Có hai loại hao mòn là hao mòn hữu hình và hao mòn vô hình:

    Hao mòn hữu hình là hao mòn do sử dụng hoặc do bị phá huỷ của tự nhiên gây ra làm cho tư bản cố định mất giá trị và giá trị sử dụng.

    Hao mòn vô hình là hao mòn do ảnh hưởng của sự tiến bộ khoa học - công nghệ.

    Dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, những máy móc, thiết bị được sản xuất ra có giá cả thấp hơn và có hiệu suất lớn hơn, làm cho những máy móc, thiết bị cũ giảm giá trị ngay khi giá trị sử dụng của nó vẫn còn nguyên vẹn hoặc mới suy giảm một phần.

    Bởi vậy, việc thu hồi nhanh giá trị tư bản cố định có ý nghĩa rất quan trọng trong cạnh tranh trên thương trường. Trong điều kiện đó, buộc các nhà tư bản phải tìm mọi cách để khấu hao nhanh tư bản cố định. Tỷ lệ khấu hao tài sản cố định thường được tính rất cao ngay từ những năm đầu chế tạo sản phẩm, lợi dụng giá sản phẩm cao của đầu chu kỳ sản phẩm, sau đó giảm dần tỷ lệ khấu hao cùng với việc giảm giá sản phẩm ở cuối chu kỳ của nó. Quy mô sản lượng ban đầu càng lớn càng có lợi cho việc thu hồi giá trị tư bản cố định. Những yêu cầu đó không phải lúc nào cũng được thực hiện dễ dàng.

    Bởi vậy, các nhà tư bản, một mặt, tìm cách phát triển hệ thống tự động hoá linh hoạt, cùng với những máy móc thiết bị tương ứng để có thể tạo ra nhiều dạng sản phẩm hoặc những sản phẩm chuyên môn hoá theo các đơn đặt hàng khác nhau; mặt khác, phát triển hệ thống doanh nghiệp vừa và nhỏ để dễ dàng đổi mới tư bản cố định trong điều kiện cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại và cạnh tranh gay gắt. Đồng thời, các nhà tư bản vẫn tiếp tục sử dụng những biện pháp cổ điển như tăng cường độ lao động, tổ chức lao động theo ca kíp, tiết kiệm chi phí bảo quản và chi phí cải thiện điều kiện lao động của người công nhân. Bằng cách đó nhằm thu hồi nhanh giá trị tài sản cố định đã sử dụng và góp phần rút ngắn khoảng cách lạc hậu về các thế hệ kỹ thuật và công nghệ.


    Bạn muốn xem thêm!