• Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015
  • Biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất

    Biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất

    1. Khái niệm phương thức sản xuất, lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất
    a. Phương thức sản xuất

    Phương thức sản xuất là cách thức mà con người dùng để làm ra của cải vật chất cho mình trong một giai đoạn lịch sử nhất định, theo cách đó con người có những quan hệ nhất định với tự nhiên và có những quan hệ nhất định với nhau trong sản xuất vật chất.

    Mỗi hình thái kinh tế - xã hội có một phương thức sản xuất đặc trưng nhất định và theo đó có một phương thức sinh hoạt xã hội nhất định.

    Các phương thức sản xuất trong lịch sử được thay thế lẫn nhau một cách tất yếu khách quan bằng các cuộc cách mạng xã hội. Khi phương thức sản xuất mới ra đời, thì toàn bộ kết cấu kinh tế, kết cấu giai cấp, xã hội, các quan điểm tư tưởng chính trị, pháp luật, đạo đức cùng các thiết chế tương ứng của nó như nhà nước, đảng phái, v.v cũng thay đổi.

    Phương thức sản xuất là sự thống nhất hữu cơ của hai mặt: Lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất.

    b. Lực lượng sản xuất

    Lực lượng sản xuất là sự kết hợp giữa người lao động (sức khoẻ thể chất, kinh nghiệm, kỹ năng, tri thức lao động của họ) với tư liệu sản xuất mà trước hết là công cụ lao động để tạo ra một sức sản xuất vật chất nhất định.

    Lực lượng sản xuất do con người tạo ra nhưng mang tính khách quan. Nó biểu hiện mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Lực lượng sản xuất nói lên năng lực hoạt động thực tiễn của con người trong quá trình chinh phục tự nhiên. Nó là sản phẩm của sự kết hợp giữa lao động sống và lao động quá khứ.


    Lực lượng sản xuất là tiêu chí quan trọng nhất để chỉ ra những nấc thang của sự tiến bộ xã hội vì các chế độ kinh tế khác nhau ở chỗ, nó sản xuất bằng cách nào, với công cụ lao động nào.

    Trong lực lượng sản xuất gồm ba yếu tố cơ bản: con người - người lao động với thể lực, học vấn, kinh nghiệm, kỹ năng, trình độ lao động; tư liệu lao động (gồm công cụ lao động và đối tượng lao động). Các yếu tố trong lực lượng sản xuất không thể tách rời nhau, chúng có quan hệ hữu cơ với nhau trong đó yếu tố con người - người lao động giữ vị trí hàng đầu, tư liệu sản xuất đóng vai trò rất quan trọng.

    Ngày nay khoa học - kỹ thuật ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp của xã hội. Điều này thể hiện ở chỗ, khoa học đã thẩm thấu vào tất cả quy trình lao động, đóng vai trò quan trọng trong tổ chức, quản lý sản xuất, trong chế tạo, cải tiến công cụ lao động, v.v.

    c. Quan hệ sản xuất

    Quan hệ sản xuất là những quan hệ cơ bản giữa người với người trong quá trình sản xuất vật chất (sản xuất và tái sản xuất xã hội) thể hiện ở quan hệ về mặt sở hữu đối với tư liệu sản xuất, ở quan hệ trong tổ chức quản lý sản xuất và quan hệ về mặt phân phối sản phẩm sản xuất ra. Như vậy, quan hệ sản xuất gồm ba quan hệ:

    - Quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất;

    - Quan hệ tổ chức, quản lý sản xuất;

    - Quan hệ phân phối sản phẩm sản xuất.

    Ba quan hệ trên trong quan hệ sản xuất thống nhất với nhau. Tuy nhiên, trong ba quan hệ này thì quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất đóng vai trò quyết định. Bởi lẽ, ai nắm tư liệu sản xuất trong tay, người ấy sẽ quyết định việc tổ chức, quản lý sản xuất cũng như phân phối sản phẩm. Chính quan hệ sở hữu cũng quy định tính đặc trưng cho từng quan hệ sản xuất của từng xã hội. Do vậy, quan hệ sản xuất là tiêu chí quan trọng để phân biệt hình thái kinh tế - xã hội này với hình thái kinh tế - xã hội khác. Mặc dù vậy, quan hệ tổ chức quản lý sản xuất và quan hệ phân phối sản phẩm có ảnh hưởng quan trọng tới quan hệ sở hữu. Chúng có thể góp phần củng cố hoặc phá hoại quan hệ sở hữu.

    Quan hệ sản xuất mang tính khách quan, nó được hình thành trong quá trình phát triển lịch sử không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người. Quan hệ sản xuất là quan hệ cơ bản quyết định tất cả các quan hệ xã hội khác của con người.

    2. Quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với tính chất trình độ của lực lượng sản xuất
    a. Vai trò quyết định của lực lượng sản xuất đối với sự hình thành và biến đổi của quan hệ sản xuất

    Trình độ của lực lượng sản xuất biểu hiện ở trình độ của công cụ lao động, ở trình độ kỹ năng, kinh nghiệm của người lao động, trình độ ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, v.v ứng với trình độ của lực lượng sản xuất là tính chất của nó. Ví dụ, khi trình độ sản xuất thủ công thì tính chất của nó là cá nhân. Khi trình độ của lực lượng sản xuất là cơ khí, hiện đại thì tính chất của nó là xã hội hoá. Trình độ của lực lượng sản xuất quyết định quan hệ sản xuất. Điều này thể hiện ở chỗ:

    Thứ nhất, xu hướng của sản xuất vật chất là không ngừng biến đổi và phát triển. Sự biến đổi đó bao giờ cũng bắt đầu bằng sự biến đổi và phát triển của lực lượng sản xuất mà trước hết là công cụ lao động. Từ sự biến đổi của lực lượng sản xuất này mà quan hệ sản xuất phải biến đổi theo cho phù hợp.

    Thứ hai, lực lượng sản xuất là yếu tố động nhất, cách mạng nhất, nó luôn luôn vận động và biến đổi trong quá trình lịch sử. Lực lượng sản xuất là nội dung, quan hệ sản xuất là hình thức xã hội của quá trình sản xuất. Sự biến đổi trong lực lượng sản xuất (nội dung) sớm muộn cũng kéo theo sự biến đổi trong quan hệ sản xuất (hình thức).

    Thứ ba, sự phát triển của lực lượng sản xuất đến trình độ nào đó nhất định làm cho quan hệ sản xuất trở nên không phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất nữa. Khi ấy, xuất hiện mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất. Mâu thuẫn này tất yếu dẫn đến đấu tranh giai cấp mà đỉnh cao của nó là cách mạng xã hội nhằm phá bỏ "xiềng xích trói buộc" lực lượng sản xuất để xác lập quan hệ sản xuất mới phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất.

    b. Tác động ngược lại của quan hệ sản xuất đối với lực lượng sản xuất

    Mặc dù bị quyết định bởi lực lượng sản xuất, nhưng quan hệ sản xuất có tính độc lập tương đối so với lực lượng sản xuất. Vì vậy, quan hệ sản xuất có thể tác động trở lại lực lượng sản xuất. Sự tác động trở lại của quan hệ sản xuất đối với lực lượng sản xuất diễn ra theo hai xu hướng:

    Thứ nhất, nếu quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ của lực lượng thì sẽ thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển.

    Thứ hai, nếu quan hệ sản xuất không phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất (hoặc là lạc hậu, hoặc là vượt trước quá xa so với trình độ của lực lượng sản xuất) thì sẽ kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất.

    Sự phù hợp (được quan niệm là sự phù hợp biện chứng chứa đựng mâu thuẫn), tức là sự phù hợp trong mâu thuẫn, bao hàm mâu thuẫn.

    Tiêu chí của sự phù hợp được biểu hiện thông qua sự tác động biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất và được thể hiện cụ thể là năng suất lao động tăng; người lao động hăng hái sản xuất; đời sống của người lao động được nâng cao; môi trường làm việc được cải thiện; lực lượng sản xuất phát triển, v.v.

    Sự tác động của quan hệ sản xuất tới lực lượng sản xuất còn được thể hiện ở chỗ, quan hệ sản xuất quy định mục đích của nền sản xuất. Trên cơ sở đó tác động đến thái độ của người lao động, tới tính tích cực ứng dụng khoa học, kỹ thuật hay cải tiến công cụ lao động, v.v của người lao động. Từ đó tác động tới lực lượng sản xuất. Ví dụ, nếu mục đích của nền sản xuất xã hội là vì lợi nhuận thì sớm hay muộn người lao động cũng không tích cực lao động. Nếu mục đích của nền sản xuất là vì con người - nhân dân lao động thì chắc chắn, người lao động sẽ tích cực, nhiệt huyết lao động.

    Quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ của lực lượng sản xuất là quy luật chung nhất chi phối toàn bộ tiến trình lịch sử nhân loại. Quy luật này làm cho lịch sử là một dòng chảy liên tục song mang tính gián đoạn. Trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể, quy luật này có những biểu hiện đặc thù của nó.


    Bạn muốn xem thêm!