• Thứ Hai, 8 tháng 6, 2020
  • Nhà nước của dân, do dân và vì dân trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh

    Nhà nước của dân, do dân và vì dân trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh


    1.Nhà nước của dân

    Quan điểm nhất quán của Hồ Chí Minh là xác lập tất cả mọi quyền lực trong nhà nước và trong xã hội đều thuộc về nhân dân. Quan điểm này của Hồ Chí Minh được thể hiện trong các bản hiến pháp do Người lãnh đạo soạn thảo: Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959.
    Chẳng hạn, Hiến pháp năm 1946 nêu rõ: tất cả quyền bính trong nước đều là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo; những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra toàn dân phúc quyết. Nhân dân có quyền làm chủ về chính trị, kinh tế, văn hoá – xã hội, bầu ra quốc hội – cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất thể hiện quyền tối cao của nhân dân.
    Nhân dân lao động làm chủ nhà nước thì dẫn đến một hệ quả là nhân dân có quyền kiểm soát nhà nước, cử tri bầu ra các đại biểu, uỷ quyền cho các đại biểu đó bàn và quyết định những vấn đề quốc kế dân sinh. Đây thuộc về chế độ dân chủ đại diện bên cạnh chế độ dân chủ trực tiếp. Quyền dân chủ và đồng thời cũng là quyền kiểm soát của nhân dân thể hiện ở chỗ nhân dân có quyền bãi miễn những đại biểu quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nào nếu thấy những đại biểu đó không xứng đáng với sự tín nhiệm của dân.
    Theo Hồ Chí Minh, muốn bảo đảm được tính chất nhân dân của nhà nước phải xác định được và thực hiện được trách nhiệm của cử tri và đại biểu do cử tri bầu ra. Cử tri và đại biểu cử tri bầu ra phải có mối quan hệ chặt chẽ với nhau do bản chất của quy chế này quy định, và, khi không hoàn thành nhiệm vụ với tư cách là người đại biểu của cử tri thì cuer tri có quyền bãi miễn tư cách đại biểu.
    Dân chủ là khát vọng muôn đời của con người. Hồ Chí Minh quan niệm dân chủ có nghĩa là “dân là chủ” đối lập với quan niệm “quan chủ”. Đây là quan niệm được Hồ Chí Minh diễn đạt ngắn , gọn, đi thẳng vào bản chất của khái niệm trong cấu tạo quyền lực của xã hội. Mở rộng theo ý đó, Hồ Chí Minh còn cho rằng: “nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ”, “chế độ ta là chế độ dân chủ. Tức là nhân dân làm chủ”, “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”.
    Dân là chủ có nghĩa là xác định vị thế của dân, còn dân làm chủ có nghĩa là xác định quyền, nghĩa vụ của dân. Trong Nhà nước của dân, với ý nghĩa đó, người dân được hưởng mọi quyền dân chủ. Bằng thiết chế dân chủ, nhà nước phải có trách nhiệm bảo đảm quyền làm chủ của dân, để cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình trong hệ thống quyền lực của xã hội. Quyền lực của nhân dân được đặt ở vị trí tối thượng. Điều này có ý nghĩa thực tế, nhắc nhở những người lãnh đạo, những đại biểu của nhân dân làm đúng chức trách và vị thế của mình, không phải là đứng trên nhân dân, coi khinh nhân dân, “cậy thế” với dân, “quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân”. Một nhà nước như thế là một nhà nước tiến bộ trong bước đường phát triển của nhân loại. Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà do Hồ Chí Minh khai sing ngày 2 – 9 – 1945 chính là nhà nước tiến bộ chưa từng có trong lịch sử hàng nghìn năn của dân tộc Việt Nam bởi vì nhà nước đó là nhà nước của dân, nhân dân có vai trò quyết định mọi công việc của đất nước.

    2. Nhà nước do dân

    Nhà nước do dân lập nên, do dân ủng hộ, dân làm chủ. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh nhiệm vụ của những người cách mạng là phải làm cho dân hiểu, cho dân giác ngộ để nâng cao được trách nhiệm làm chủ, nâng cao được ý thức trách nhiệm chăm lo xây dựng nhà nước của mình. Hồ Chí Minh khẳng định: Việc nước là việc chung, mỗi người đều phải có trách nhiệm “ ghé vai gánh vác một phần”. Quyền lợi, quyền hạn bao giờ cũng đi đôi với trách nhiệm, nghĩa vụ.
    Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước Việt Nam mới, nhân dân có đủ điều kiện, cả về pháp luật và thực tế, để tham gia quản lý nhà nước. Người nêu rõ quyền của dân, Nhà nước do dân tạo ra và nhân dân tham gia quản lý là ở chỗ:
    - Toàn bộ công dân bầu ra quốc hội – cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, cơ quan duy nhất có quyền lập pháp.
    - Quốc hội bầu ra chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ quốc hội và Hội đồng chính phủ.
    - Hội đồng chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất của Nhà nước, thực hiện các nghị quyết của quốc hội và chấp hành pháp luật.
    - Mọi công việc của bộ máy Nhà nước trong việc quản lý xã hội đều thực hiện ý chí của dân (thông qua Quốc hội do dân bầu ra).

    3. Nhà nước vì dân

    Nhà nước vì dân là một Nhà nước lấy lợi ích chính đáng của nhân dân làm mục tiêu, tất cả đều vì lợi ích của nhân dân, ngoài ra không có bất cứ một lợi ích nào khác. Đó là một nhà nước trong sạch, không có bất ký một đặc quyền, đặc lợi nào. Trên tinh thần đó, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Mọi đường lối, chính sách đều chỉ nhằm đưa lại quyền lợi cho dân; việc gì có lợi cho dân dù nhỏ cũng cố gắng làm, việc gì hại cho dân dù nhỏ cũng cố gắng tránh. Dân là gốc của nước. Hồ Chí Minh luôn tâm niệm: Phải làm cho dân có ăn, phải làm cho dân có mặc, phải làm cho dân có chỗ ở, phải làm cho dân được học hành.
    Một nhà nước vì dân, theo quan điểm của Hồ Chí Minh, là từ chủ tịch nước đến công chức bình thường đều phải làm công bộc, làm đầy tớ cho dân chứ không phải “làm quan cách mạng” để “đè đầu cưỡi cổ dân”. Đối với chức vụ chủ tịch nước của mình, Hồ Chí Minh cũng quan niệm là do dân uỷ thác cho và như vậy phải phục vụ nhân dân, tức là làm đầy tớ cho nhân dân.
     Trích trong : Giáo trình Tư Tưởng Hồ Chí Minh


    Bạn muốn xem thêm!