• Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2020
  • Quan niệm của Hồ Chí Minh về đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

    Quan niệm của Hồ Chí Minh về đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

    a. Cách tiếp cận của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội

    Hồ Chí Minh tiếp cận chủ nghĩa xã hội theo quan điểm Mac – Lênin từ lập trường của một người yêu nước đi tìm con đường giải phóng dân tộc để xây dựng một xã hội mới tốt đẹp. Người tiếp thu quan điểm của những nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học, đồng thời có sự bổ sung cách tiếp cận mới về chủ nghĩa xã hội.
    - Hồ Chí Minh tiếp thu lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học của lý luận Mac – Lênin trước hết là từ yêu cầu tất yếu của công cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam. Người tìm thấy trong lý luận Mac – Lênin sự thống nhất biện chứng giữa giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội (trong đó có giải phóng giai cấp) và giải phóng con người. Đó cũng là mục tiêu cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản theo đúng bản chất của chủ nghĩa Mac – Lênin.
    - Hồ Chí Minh tiếp cận chủ nghĩa xã hội ở một phương diện nữa là đạo đức, hướng tới giá trị nhân dạo, nhân văn Macxit, giải quyết tốt quan hệ giữa cá nhân và xã hội theo quan điểm của Mac và Ăngghen trong bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản mà hai ông công bố tháng 2 năm 1848: Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người.
    - Bao trùm lên tất cả là Hồ Chí Minh tiếp cận chủ nghĩa xã hội từ văn hóa. Văn hóa trong chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam có quan hệ biện chứng với chính trị, kinh tế. Quá trình xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cũng là quá trình xây dựng một nền văn hóa mà ở đó kết tinh, kế thừa, phát triển những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, kết hợp truyền thống với hiện đại, dân tộc và quốc tế.
    Nhân dân Việt Nam xây dựng một xã hội như vậy theo quan điểm của Hồ Chí Minh cũng là tuân theo một quy luật phát triển của dân tộc Việt Nam: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội gắn liền với nhau. Độc lập dân tộc là tiền đề, là điều kiện tiên quyết để xây dựng chủ nghĩa xã hội; xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội là một điều kiện bảo đảm vững chắc, đồng thời là mục tiêu cho độc lập dân tộc hướng tới. Hồ Chí Minh đã thấy rõ tính tất yếu của sự phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc Việt Nam ngay khi trở thành người cộng sản năm 1920 và khẳng định điều đó trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam; kiên trì, nhất quán bảo vệ và phát triển quan điểm này trong suốt bước đường phát triển của cách mạng Việt Nam từ đó về sau, mặc dù con đường phát triển ấy thực chất là một cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại những gì là cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra cái mới mẻ, tốt tươi; mặc dù con đường ấy có nhiề khó khăn, chông gai, phức tạp.

    b. Đặc trưng bản chất tổng quát của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

    Hồ Chí Minh bày tỏ quan niệm của mình về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam không chỉ trong một bài viết hay trong một cuộc nói chuyện nào đó mà tùy từng lúc, từng nơi, tùy từng đối tượng người đọc, người nghe mà Người diến đạt quan niệm của mình. Vẫn là theo các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mac – Lênin về chủ nghĩa xã hội, nhưng với cách diễn đạt ngôn ngữ nói và viết của Hồ Chí Minh thì những vấn đề đầy chất lý luận chính trị phong phú, phức tạp được biểu đạt bằng ngôn ngữ của cuộc sống, của nhân dân Việt Nam, rất mộc mạc, dung dị, dễ hiểu.
    - Hồ Chí Minh có quan niệm tổng quát khi coi chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội như một chế độ xã hội bao gốm các mặt rất phong phú, hoàn chỉnh, trong đó con người được phát triển toàn diện, tự do. Trong một xã hội như thế, mọi thiết chế, cơ cấu xã hội đều nhằm tới mục tiêu giải phóng con người.
    - Hồ Chí Minh diễn đạt quan niệm của mình về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trên một số mặt nào đó của nó như: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…Với cách dienx đạt như thế của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội thì chúng ta không nên tuyệt đối hóa từng mặt, hoặc tách riêng rẽ từng mặt của nó, mà cần đặt trong một tổng thể chung. Chẳng hạn, khi nói chuyện tại lớp hướng dẫn giáo viên cấp II, cấp III và hội nghị sư phạm vào tháng 7 – 1956, Hồ Chí Minh cho rằng: “Chủ nghĩa xã hội là lấy nhà máy, xe lửa, ngân hàng,…làm của chung, Ai làm nhiều thì ăn nhiều, ai làm ít thì ăn ít, ai không làm thì không ăn, tất nhiên là trừ những người già cả, đau yếu và trẻ con”. Khi nhấn mạnh mặt kinh tế, Hồ Chí Minh nêu chế độ sở hữu công cộng của chủ nghĩa xã hội và phân phối theo nguyên tắc của chủ nghĩa Mac – Lênin là làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có phúc lợi xã hội. Về mặt chính trị, Hồ Chí Minh nêu chế độ dân chủ, mọi người được phát triển toàn diện với tinh thần làm chủ.
    - Hồ Chí Minh quan niệm về chủ nghĩa xã hội ở nước ta bằng cách nhấn mạnh đó là một xã hội vì lợi ích của tổ quốc, của nhân dân, là ”làm sao cho dân giàu nước mạnh”, là “làm cho tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”, là “nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân”, là làm cho mọi người được ăn no, mặc ấm, được sung sướng, tự do…
    - Hồ Chí Minh nên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong ý thức, động lực của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Xây dựng một xã hội như thế là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi, động lực của toàn dân tộc. Cho nên, với động lực xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, sức mạnh tổng hợp được sử dụng và phát huy, đó là sức mạnh toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại.
    Đặc trưng bản chất tổng quát của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, theo Hồ Chí Minh, cũng trên cơ sở của lý luận Mac – Lênin, nghĩa là trên những mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Về cụ thể, chúng ta thấy Hồ Chí Minh nhấn mạnh chủ yếu những điểm sau đây:
    + Đó là một chế độ chính trị do dân làm chủ
    Chủ nghĩa xã hội có chế độ chính trị dân chủ, nhân dân lao động là chủ và nhân dân lao động làm chủ, Nhà nước là của dân, do dân và vì dân, dựa trên khối đại đoàn kết toàn dân mà nòng cốt là liên minh công – nông – trí, do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
    Mọi quyền lực trong xã hội đều tập trung trong tay nhân dân. Nhân dân đoàn kết thành một khối thống nhất để làm chủ nước nhà. Nhân dân là người quyết định vận mệnh cũng như sự phát triển của đất nước dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Hồ Chí Minh coi nhân dân có vị trí tối thượng trong mọi cấu tạo quyền lực. Chủ nghĩa xã hội chính là sự nghiệp của chính bản thân nhân dân, dựa vào sức mạnh của toàn dân để đưa lại quyền lợi cho dân.
    + Chủ nghĩa xã hội là một chế độ xã hội có nền kinh tế phát triển cao, gắn liền với sự phát triển của khoa học – kỹ thuật
    Đó là xã hội có một nền kinh tế phát triển dựa trên cơ sở năng suất lao động xã hội cao, sức sản xuất luôn luôn phát triển với nền tảng phát triển khoa học – kỹ thuật, ứng dụng có hiệu quả những thành tựu khoa học – kỹ thuật của nhân loại.
    + Chủ nghĩa xã hội là chế độ không còn người bóc lột người
    Chủ nghĩa xã hội được hiểu như là một chế độ hoàn chỉnh, đạt đến đọ chín muồi. Trong chủ nghĩa xã hội, không còn bóc lột, áp bức, bất công, thực hiện chế độ sở hữu xã hội về tư liệu sản xuất và thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động. Đó là một xã hội được xây dựng trên nguyên tắc công bằng, hợp lý.
    + Chủ nghĩa xã hội là một xã hội phát triển cao về văn hóa, đạo đức
    Đó là một xã hội có hệ thống quan hệ xã hội lành mạnh, công bằng, bình đẳng, không còn áp bức, bóc lột, bất công, không còn sự đối lập giữa lao động chân tay và lao động trí óc, giữa thành thị và nông thôn, con người được giải phóng, có điều kiện phát triển toàn diện, có sự hài hòa trong phát triển của xã hội và tự nhiên.
    Các đặc trưng nêu trên là hình thức thể hiện một hệ thống giá trị vừa kế thừa các di sản quá khứ, vừa được sáng tạo mới trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội là hiện thân đỉnh cao của tiến trình lịch sử nhân loại. Hồ Chí Minh quan niệm, chủ nghĩa xã hội là sự tổng hợp quyện chặt ngay trong cấu trúc nội tại của nó, một hệ thống giá trị làm nền tảng điều chỉnh các quan hệ xã hội, đó là độc lập, tự do, bình đẳng, dân chủ, công bằng, bảo đảm quyền con người, bác ái, đoàn kết, hữu nghị…,trong đó, có những giá trị tạo tiền đề, có giá trị hạt nhân. Tất cả những giá trị cơ bản này là mục tiêu chủ yếu của chủ nghĩa xã hội. Một khi tất cả các giá trị đó đã đạt được thì loài người sẽ vươn tới lý tưởng cao nhất của chủ nghĩa xã hội, đó là “liên hợp tự do của những người lao động” mà Mac và Ăngghen đã dự báo. Ở đó, cá tính của con người được phát triển đầy đủ, năng lực con người được phát huy cao nhất, giá trị con người được thực hiện toàn diện. Nhưng theo Hồ Chí Minh, đó là một quá trình phấn đấu khó khăn, gian khổ, lâu dài, dần dần và không thể nôn nóng.
     Trích trong : Giáo trình Tư Tưởng Hồ Chí Minh


    Bạn muốn xem thêm!