• Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2020
  • Vai trò và Bản chất của Đảng cộng sản Việt Nam

    Vai trò và Bản chất của Đảng cộng sản Việt Nam

    1. Vai trò của Đảng cộng sản Việt Nam

    Sức mạnh to lớn của nhân dân chỉ phát huy khi được tập hợp, đoàn kết và được lãnh đạo bởi một tổ chức chính trị là Đảng cộng sản Việt Nam. Hồ Chí MInh khẳng định: “lực lượng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động là rất to lớn, là vô cùng, vô tận. Nhưng lực lượng ấy cần có Đảng lãnh đạo mới chắc chắn thắng lợi”, giai cấp mà không có Đảng lãnh đạo thì không làm cách mạng được. Trong cuốn sách Đường cách mệnhxuất bản năm 1927 Hồ Chí Minh viết: Cách mệnh trước phải có cái gì? Trước hết phải có Đảng cách mệnh, để trong thì tổ chức và vận động dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững, thuyền mới chạy”. Hồ Chí Minh cho rằng: “Muốn khỏi đi lạc phương hướng, quần chúng phải có Đảng lãnh đạo để nhận rõ tình hình, đường lối và định phương châm cho đúng.
    Cách mạng là cuôc đấu tranh rất gian khổ. Lực lượng kẻ đich rất mạnh. Muốn thắng lợi thì quần chúng phải tổ chức rất chặt chẽ, ý chí phải kiên quyết. Vì vậy, phải có Đảng để tổ chức và giáo dục nhân dân thành một đội quân thật mạnh để đánh đổ kẻ địch, tranh lấy chính quyền.
    Cách mạng thắng lợi rồi, quần chúng vẫn cần có Đảng lãnh đao”.
    Sự ra đời, tồn tại và phát triển của Đảng cộng sản Việt Nam phù hợp với quy luật phát triển của xã hội, vì Đảng không có mục đích tự thân, ngoài lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, lợi ích của toàn dân tộc Việt Nam, lợi ích của nhân dân tiến bộ trên thế giới, Đảng không có lợi ích nào khác.
    Vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, tính quyết định hàng đầu từ sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam đã được thực tế lịch sử chứng minh, không có một tổ chức chính trị nào có thể thay thế được. Mọi mưu toan nhằm hạ thấp hoặc nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đều xuyên tạc thực tế lịch sử cách mạng dân tộc ta, trái với lý luận lẫn thực tiễn, đều đi ngược lại xu thế phát triển của xã hội Việt Nam.

    2. Bản chất của Đảng cộng sản Việt Nam

    Hồ Chí Minh khẳng định: Đảng cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân, đội tiên phong của giai cấp công nhân, mang bản chất giai cấp công nhân.
    Quan điểm của Hồ Chí Minh hoàn toàn tuân thủ những quan điểm của Lênin về xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp vô sản. Nhưng, Hồ Chí Minh còn có một cách thể hiện khác về vấn đề “Đảng của ai?”. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Hồ Chí Minh nêu rõ: “Trong giai đoạn này, quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”. Năm 1953, Hồ Chí Minh viết: “Đảng Lao động là tổ chức cao nhất của giai cấp cần lao và đại biểu cho lợi ích của cả dân tộc…Đảng là Đảng của giai cấp lao động, mà cũng là Đảng của toàn dân”. Năm 1957, Hồ Chí Minh khẳng định: Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là đội tiên phong của dân tộc. Trong thời kỳ Miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, năm 1961, Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định: Đảng ta là Đảng của giai cấp, đồng thời cũng là của dân tộc, không thiên tư, thiên vị. Năm 1965, Hồ Chí Minh cho rằng: Đảng ta xứng đáng là đội tiên phong, là bộ tham mưu của giai cấp vô sản, của nhân dân lao động và của cả dân tộc.
    Tuy có nhiều cách thể hiện khác nhau như vậy nhưng quan điểm nhất quán của Hồ Chí Minh về bản chất giai cấp của Đảng là Đảng ta mang bản chất của giai cấp công nhân. Điều này cũng giống như Đảng ta mang tên là Đảng Lao động nhưng bản chất giai cấp của Đảng chỉ là bản chất giai cấp công nhân.
    Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội II, khi nêu lên Đảng ta còn là Đảng của nhân dân lao động và của toàn dân tộc, Hồ Chí Minh cũng nêu lên toàn bộ cơ sở lý luận và các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, những nguyên tắc này tuân thủ một cách chặt chẽ học thuyết về Đảng kiểu mới của giai cấp vô sản của Lênin.
    Hồ Chí Minh khẳng định bản chất giai cấp công nhân của Đảng ta dựa trên cơ sở thấy rõ sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam. Còn các giai cấp, tâng lớp khác chịu sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, trở thành đồng minh của giai cấp công nhân. Nội dung quy định bản chất giai cấp công nhân không phải chỉ là số lượng đảng viên xuất thân từ công nhân mà còn ở nền tảng lý luận và tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mac – Lênin; mục tiêu của Đảng cần đạt tới là chủ nghĩa cộng sản; Đảng tuân thủ một cách nghiêm túc, chặt chẽ những nguyên tắc xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp vô sản. Hồ Chí Minh phê phán những quan điểm không đúng như không đánh giá đúng vai trò to lớn của giai cấp công nhân, cũng như những quan điểm sai trái chỉ chú trọng công nông mà không thấy rõ vai trò to lớn của các giai cấp, tâng lớp khác.
    Quan niệm Đảng không những là Đảng của giai cấp công nhân mà còn là Đảng của nhân dân lao động và của toàn dân tộc có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam. Đảng đại diện cho lợi ích của toàn dân tộc cho nên nhân dân Việt Nam coi Đảng cộng sản Việt Nam là Đảng của chính mình. Trong thành phần, ngoài công nhân còn có những người ưu tú thuộc giai cấp nông dân, trí thức và các thành phần khác. Đảng ta cũng đã khẳng định rằng, để bảo dảm và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, Đảng luôn luôn gắn bó mật thiết với giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc trong tất cả các thời kỳ của cách mạng. Trong quá trình rèn luyện Đảng, Hồ Chí Minh luôn luôn chú trọng tính thống nhất giữa yếu tố giai cấp và yếu tố dân tộc. Sức mạnh của Đảng không chỉ bắt nguồn từ giai cấp công nhân mà còn bắt nguồn từ các tầng lớp nhân dân lao động khác.
     Trích trong : Giáo trình Tư Tưởng Hồ Chí Minh


    Bạn muốn xem thêm!